Quản lý gia sản: Phải tính từ khi chưa giàu!
(ĐTCK) Quản lý gia sản đang là chủ đề ngày càng được nhiều người quan tâm. Trong đó, bất động sản được xem là một kênh đầu tư quan trọng, có thể giúp người có tài sản gia tăng sự thịnh vượng cho bản thân.
Bất động sản luôn hấp dẫn
Với việc gia tăng nhanh chóng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam, nhu cầu về quản lý gia sản được cho là sẽ ngày càng lớn và ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Theo World Data Lab – tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu, trụ sở tại Vienna (Áo), chỉ tính riêng năm 2024, Việt Nam sẽ có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến năm 2030 sẽ tăng thêm 23,2 triệu người.
Còn theo Statista – công ty nghiên cứu thị trường của Đức, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt hơn 50 triệu người. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% trong giai đoạn 2016-2021, mức cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu không chỉ cho thấy sự phát triển bền bỉ của nền kinh tế, mà trong mắt giới kinh doanh, đây còn là mỏ vàng cho một lĩnh vực đang dần được chú ý: Quản lý gia sản.
Theo công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, thị trường quản lý gia sản tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027. Như vậy, dư địa cho các đơn vị cung cấp dịch vụ trong mảng quản lý gia sản thời gian tới là rất lớn.
Đưa ra cái nhìn khái quát về câu chuyện này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, với người thu nhập thấp thì tăng trưởng thu nhập sẽ tương đương với mức tăng GDP hàng năm, nhóm này thuộc giới tiêu dùng. Còn người giàu thì tốc độ này cao hơn tốc độ tăng của GDP và họ thuộc giới đầu tư. Quản lý gia sản là khái niệm không chỉ đơn thuần về quản lý tài chính, mà còn rộng hơn thế.
Liên quan đến câu chuyện đầu tư, ông Nghĩa cho biết, Việt Nam có một thị trường rất lớn là bất động sản. Nhiều năm qua, kinh tế tăng trưởng tốt, GDP tăng mạnh, cơ hội đầu tư xuất hiện khắp nơi, nhưng phần lớn người dân chưa biết, chưa hiểu để có thể tham gia.
Theo ông Nghĩa, người Việt Nam nói chung có khuynh hướng đầu tư và thích mạo hiểm, nhưng nền tảng pháp lý về đầu tư còn thiếu và yếu, cả với đầu tư tài chính (như trái phiếu doanh nghiệp) hay bất động sản, dẫn đến những trục trặc không đáng có.
Với kênh bất động sản, ông Nghĩa cho biết, các dữ liệu thống kê cho thấy, tính từ năm 1990 đến nay, giá vàng trên thế giới tăng khoảng 30 lần, còn bất động sản Mỹ và thế giới tăng khoảng 100 lần. Ở trong nước, từ năm 2000 đến nay, VN-Index tăng khoảng 12,5 lần. Riêng bất động sản, từ năm 1990 đến nay, vùng sâu, vùng xa cũng tăng khoảng 100 lần, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng khoảng 400 lần. Đây là mức tăng rất khủng khiếp.
Tăng giá bất động sản đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng thời gian gần đây, giá tăng chủ yếu do nguồn cung hạn chế, dự án mới không có nhiều, dự án cũ vướng pháp lý, tình trạng đắp chiếu rất phổ biến.
Thực tế trên cũng phản ánh một điều, tích sản ở Việt Nam thuộc tốp cao trên thế giới, điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội đầu tư còn rất lớn.
Ông Nghĩa nhấn mạnh rằng, riêng với bất động sản, cả Việt Nam và thế giới đều chứng kiến tốc độ tăng giá nhanh bởi đất đai vốn hữu hạn. Đặc biệt, các bất động sản gắn với hạ tầng tốt sẽ có mức độ tăng giá cao. Ở Việt Nam, bất động sản là thị trường lớn nhất, sau đó là chứng khoán. Đây đều là các kênh đầu tư phổ biến và được nhiều người quan tâm.
Bình luận thêm về thói quen quản lý gia sản, đầu tư, ông Nghĩa cho biết, thường thì người chưa giàu thích tự đầu tư, còn người có nhiều tiền hay dùng đội ngũ tư vấn và điểm này sẽ chi phối khá nhiều đến câu chuyện gia tăng tài sản. Đặc biệt, việc quản lý gia sản nên được mỗi người dân quan tâm kể cả khi chưa giàu, bởi chỉ quản lý gia sản tốt, mỗi người mới có đủ tích lũy, nguồn lực để tận dụng khi các cơ hội gõ cửa, từ đó làm gia tăng tài sản cho mình.
Thị trường tiềm năng
Việc quản lý gia sản nên được mỗi người dân quan tâm kể cả khi chưa giàu, bởi chỉ quản lý gia sản tốt, mỗi người mới có đủ tích lũy, nguồn lực để tận dụng khi các cơ hội gõ cửa, từ đó làm gia tăng tài sản cho mình.
Cũng bình luận về câu chuyện quản lý gia sản tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), Tổng giám đốc AFA Capital cho rằng, muốn quản lý gia sản tốt, đầu tiên phải xây dựng được kế hoạch tài chính dài hạn – điều khá mới mẻ với phần đông người Việt khi thói quen đầu tư thường trong thời gian ngắn từ 3 tháng đến 1 năm.
Tiếp đó, ngoài tài sản đầu tư tài chính còn có danh mục tài chính kinh doanh: Từ chuyển giao gia sản từ bố mẹ cho con cái để vận hành và phát triển tài sản này (các doanh nghiệp, vốn góp ở các công ty…), tức là chuyển sự thịnh vượng từ thế hệ này sang các thế hệ khác.
Cuối cùng là quản lý các tài sản đầu tư, cụ thể là tài sản tài chính (tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu…), cần phải tạo danh mục đầu tư cho loại hình tài sản này. Thông thường, mọi người hay tập trung vào tiết kiệm, vàng, khi cổ phiếu có sóng thì chuyển sang cổ phiếu…, song quan trọng là xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn cho tài sản tài chính, kể cả với bất động sản.
Về tổng quan, quản lý tài sản chỉ là quản lý một lớp tài sản đầu tư, còn quản lý gia sản thì rộng hơn, bao gồm lập kế hoạch, kế hoạch chuyển giao và kế hoạch đầu tư.
Theo ông Tuấn, nhiều người thường thường nghĩ quản trị gia sản chỉ là tiết kiệm, nhưng thực ra còn cả đầu tư. Phải có tích lũy để có nguồn lực để đầu tư, còn đầu tư sẽ làm tăng trưởng tài sản thêm nữa. Khối ngoại nghiên cứu về thị trường quản lý gia sản rất kỹ bởi đây là thị trường tiềm năng, đến từ tăng trưởng GDP cao, ổn định.
Với bất động sản, theo ông Tuấn, ở Việt Nam, đây là một trong những tài sản ưa thích của nhà đầu tư. Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là dòng vốn sẽ chảy đi đâu? Thực tế, những lúc như giai đoạn hiện tại, nếu dòng tiền không chảy vào các kênh tài chính thì sẽ vào vàng, nếu không qua vàng thì sẽ đổ vào bất động sản. Với bất động sản, có thể qua sản phẩm hữu hình hoặc qua kênh cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng cho biết, riêng ở khu vực nông thôn, nhà đầu tư thường sẽ mua vàng hoặc mua đất. Lâu nay, chúng ta muốn khai thác dòng tiền trong dân, nhưng để làm được điều này, giải pháp tốt là tạo ra các sản phẩm đầu tư tài chính đủ dễ, đủ thuận tiện, minh bạch để người dân có thể tiếp cận, đầu tư.
“Các quỹ mở cũng là một hình thức đầu tư văn minh, ưu việt và cần được khuyến khích. Điều này cũng đúng nếu chúng ta muốn khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế. Do đó, đây là gợi ý tốt cho các nhà đầu tư”, ông Tuấn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác trong câu chuyện quản lý gia sản, đồng thời cho rằng, để có thể trở nên thịnh vượng, mỗi người dân cần lưu tâm đến câu chuyện quản lý gia sản, vì đây chính là con đường để mỗi người có thể trở nên giàu có.
Đăng bình luận