Lao động trẻ tìm việc: "Nhìn" lương hay cơ hội học tập?

Theo khảo sát "Chỉ số hạnh phúc trong công việc" được thực hiện trên 50.000 người lao động bởi JobStreet.com và JobsDB (2 mạng việc làm lớn tại châu Á, có mặt ở Malaysia, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) vào cuối quý II/2016, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhân viên trẻ lạc quan nhất về sự cải thiện công việc trong 6 tháng đầu đi làm.

Theo đó, người trẻ mới tốt nghiệp tại Indonesia đứng đầu về độ lạc quan về sự cải thiện công việc trong 6 tháng đầu đi làm (6,8/10 điểm), theo sát là Philippines và Việt Nam. Nhân viên trẻ tại các quốc gia phát triển tỏ ra kém lạc quan nhất về công việc trong 6 tháng đầu khi Singapore và Hong Kong đều có điểm số thấp (5,4/10).

Tuy nhiên, người trẻ vừa tốt nghiệp tại Việt Nam lại có mức độ hài lòng về công việc hiện tại thấp nhất so với 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong khu vực (4,9/10 điểm). Người mới tốt nghiệp tại Philippines lạc quan nhất về công việc hiện tại (6,5/10), theo sau là Indonesia (6/10) và Thái Lan (5,9/10).

Lao động trẻ tìm việc: "Nhìn" lương hay cơ hội học tập?

Theo một khảo sát vào quý II/2016 trên gần 1.200 nhân viên trẻ đang tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, có đến gần 75% xác định mức lương là yếu tố quan trọng khi đọc mẩu tin tuyển dụng trên các trang mạng việc làm. Còn mô tả việc làm - yếu tố quan trọng để xác định một công việc có phù hợp hay không chỉ đứng ở vị trí ưu tiên thứ 4 (48%).

Tình trạng người lao động trẻ mới tốt nghiệp không có việc làm được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá là do thái độ cũng như kỹ năng chưa đáp ứng được mong đợi hay khả năng của nhà tuyển dụng. Trong khi đó, "Chấp nhận mức lương công ty đề nghị" nằm trong top 3 yếu tố dẫn đến quyết định tuyển dụng người trẻ mới tốt nghiệp, theo khảo sát được JobStreet.com thực hiện trên gần 400 nhà tuyển dụng vào quý I/2016 (giai đoạn cao điểm trên thị trường tuyển dụng).

Nhiều nhà tuyển dụng "than phiền" rằng, những hồ sơ thuộc các ngành "hot" thường không đáp ứng đủ số lượng và mức lương mong muốn thường không phù hợp với thị trường, đặc biệt với đối tượng lao động trẻ mới ra trường.

Bà Dương Thị Ngọc Hải - Giám đốc Marketing JobStreet.com Việt Nam nhận định: "Khi vừa tốt nghiệp, người trẻ có nhiều cơ hội để định hướng phát triển nghề nghiệp theo các cách mình muốn. Khoảng thời gian ngay sau khi tốt nghiệp nên được dành để học hỏi, đa dạng hóa những kỹ năng cứng và mềm hơn là hướng ngay đến một vị trí được trả lương cao".

Để lao động trẻ và nhà tuyển dụng tìm được tiếng nói chung, nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng, sự kiên định và nhất quán, tập trung cao vào công việc sẽ đưa một người tiến xa trên chặng đường sự nghiệp hơn là chỉ nhắm đến một vị trí có lương khởi điểm trên mức trung bình. Để có được mức lương như mong đợi, người trẻ được khuyến khích nên trao đổi cởi mở, thẳng thắn với cấp trên về việc lập ra những con số và mục tiêu cụ thể.

Theo Bích Trâm/Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Không có nhận xét nào

Hình ảnh chủ đề của jangeltun. Được tạo bởi Blogger.